top of page

Không cảm thấy gì

Một người bạn của tôi vừa mới chia tay, thực ra trước đó tôi cũng đã đoán được trước kết quả, nên cũng chả mấy ngạc nhiên. Bạn hỏi tôi làm sao để sống phũ hơn, thực ra tôi không hề biết. Thiếu Nữ Lục Yêu đã từng viết trong cuốn sách của cô ấy như thế này:


“Hỡi những chàng trai cô gái mà tôi từng yêu mến, hỡi những ký ức đã qua mà tôi không thể thoát ra được, hỡi những điều tôi không thể vứt bỏ, tôi thực sự yêu quá trình mà tôi có được tất cả. Có lẽ một ngày nào đó, tôi lại giống thời còn đi học, trèo lên mái nhà đốt hết tất cả những cuốn nhật ký ghi chép lại những điều đã qua, tôi cũng sẽ vứt bỏ hết mọi thứ không lưu lại chút giấu vết nào, rồi lại cảm thán mình chưa từng hối hận khi đã từng trao đi yêu thương. Có lẽ cho dù có sống bạc với đời, tôi cũng sẽ không tìm ra được đáp án cho những câu hỏi trên. Nhưng tôi vẫn muốn được một lần thử sống phũ phàng hơn.”


Lúc đó tôi mới chợt nhận ra, ừ nhỉ! Bắt đầu từ khi nào mà mình đã thay đổi nhiều đến vậy. Bắt đầu từ khi nào mà mình lại gặp gỡ nhiều người đến thế, để rồi khi vô tình gặp lại nhau trên đường đời, chúng ta lại cố ý tỏ ra chẳng quen biết nhau.



Tôi nhớ những lần mình giúp người lạ, chị gái hàng xóm lúc nào cũng có vấn đề với chiếc xe máy. Chị ấy rất nhỏ nhắn, chiếc xe lại quá bự, nên nếu tôi có vô tình đi ngang thì sẽ luôn giúp chị ấy giắc xe. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ nhận được một lời cảm ơn nào, đến một cái nhìn cũng không có, tôi liền tự hỏi liệu đây có phải là sống phũ không?


Bản thân của ngày còn trẻ luôn muốn rời xa khỏi gia đình, cao chạy xa bay tới một vùng đất mới càng xa càng tốt. Cô bạn chung phòng của tôi cứ hai ngày sẽ gọi về nhà một lần, đến mức cả gia đình nó đều biết mặt tôi. Nó hỏi tôi tại sao lại ít gọi điện về cho gia đình thế, sự thật là lúc đó tôi chưa bao giờ gọi điện về nhà. Một phần là vì mâu thuẫn giữa tôi và gia đình còn quá lớn, phần còn lại là vì tôi luôn có cảm giác mình bị bỏ lại sau khi bố mẹ tôi ly hôn. Thế là tôi quyết định biến mất khỏi gia đình mình biền biệt suốt hai năm, chẳng có lấy nổi một cuộc điện thoại hay hỏi thăm.


Có những lúc tôi tự hỏi liệu đây có phải sống phũ không? Tôi nghĩ rằng cảm xúc của mình đã bị hao mòn qua năm tháng, ví như khi tôi cười nhưng không thực sự cảm thấy vui, cũng không có thời gian để buồn, bởi thời gian thực sự quá đắt đỏ. Tôi từng nói với một chị đồng nghiệp rằng, tôi luôn cảm thấy thời gian một ngày của mình là không đủ, và tôi có quá ít thời gian để làm những việc mình cần làm. Chị ấy liền nói với tôi rằng, khi em cảm thấy bản thân ngày càng có ít thời gian để làm những điều mình muốn, điều đó có nghĩa là em đang bắt đầu trưởng thành.



Tôi cũng từng nghĩ việc sống phũ cũng đồng nghĩa với việc mình chẳng cảm thấy gì. Không buồn cũng không vui, không hạnh phúc nhưng cũng chẳng  đau khổ. Và khi không cảm thấy gì, bạn thường sẽ có rất nhiều câu hỏi trong đầu.


“Tại sao người ta lại có thể yêu nhau đến mức đấy?”


“Tại sao một số người lại hy sinh nhiều đến thế?”


“Liệu nó có đáng không?”


“Tại sao mọi người lại cảm thấy buồn vì một chuyện như vậy?”


“Tại sao mình lại chẳng thấy buồn?”


Tôi nhớ có một lần, con mèo mà tôi nuôi ngày còn nhỏ bị xe cán chết, tôi nghe xong thì chẳng cảm thấy gì, tôi không buồn nên cũng chẳng khóc. Tôi xây cho nó một ngôi mộ nhỏ ở phía sau vườn, ngày hôm sau tôi vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Vốn dĩ ngay từ nhỏ tôi đã là một đứa không thể hiện quá nhiều cảm xúc, kể cả khi bị đám đầu gấu bắt nạt, khi về nhà tôi luôn cố gắng che những về thương ấy lại, để bố mẹ mình không biết.


Khi đi học, sau này là cả khi đi làm, tôi thường xuyên bị phàn nàn rằng tôi hay nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn mây, nhìn trời, nhìn đất, nhìn vào một khoảng không vô định nào đấy. Có lẽ những lúc như vậy, tôi đã mong mình có thế cảm thấy gì đó, nhưng tôi lại chẳng cảm thấy gì, tôi không thể vui, thà là tôi cảm thấy buồn, buồn rồi thì tôi có thể khóc một trận cho đã, sau đó sẽ hết. Nhưng tôi lại không thể, điều tôi có thể làm chính là yên lặng sống tiếp.


Cho tới một ngày, một ngày rất tệ, tôi bị đám cùng trường ném đá vào người, lúc đó tôi đã trông thấy cậu bạn mình thích đứng ngay bên cạnh, chẳng làm gì, chẳng nói chẳng rằng, chỉ đứng nhìn tôi và bọn họ. Trên đường về nhà, đó là một con đường rất đông đúc, tôi cứ vậy mà mà vừa đi vừa khóc, nước mắt làm ướt hết bộ áo đồng phục trắng. Tôi liền có cảm giác như cuối cùng bản thân cũng có thể bộc bạch ra rất nhiều cảm xúc mà mình đã giấu trong lòng suốt bấy lâu nay. Tôi chạy đến ngôi mộ của chú mèo nhỏ ngoài khu vườn mà giờ đây cỏ đã mọc um sùm, sau đó tôi cứ ngồi trước ngôi mộ, khóc hết cả buổi chiều.


“Xin lỗi vì tao đã không khóc khi mày chết.”



Đêm 30 tết, tôi về nhà, say khướt mà ngủ thiếp đi trong căn phòng trống, cho tới khi tỉnh dậy đã là giao thừa. Tự nhiên lúc này tôi lại cảm thấy thời gian trôi qua rất chậm, tôi rất cô đơn, cô đơn đến mức phát khóc. Tôi nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ thành phố nhỏ mình từng sống. Sau đó tôi liền cầm điện thoại lên, gọi điện cho họ, sau hai năm biệt tăm biệt tích, rời xa khỏi gia đình.


Có một đêm tôi bị sốt rất cao, nằm từ chiều tới mười hai giờ đêm, tôi bị mê sảng, cơn đau âm ỉ lan khắp người, đầu tôi như muốn nổ tung, những lúc như vậy chính là lý do tôi rất sợ khi sống một mình. Xong chị hàng xóm nghe thấy tiếng động của tôi, liền qua gõ cửa hỏi tôi có chuyện gì, có cần chị ấy gọi cấp cứu giúp không. Sau đó chị ấy còn tốt bụng mua cho tôi một tô phở, vài vỉ thuốc hạ sốt và kháng sinh. Lúc đó tôi mới chợt nhận ra mình đã hiểu lầm người ta rất nhiều.


Mỗi khi chia tay một thứ gì đó, một ai đó, những lần bị khách mắng sếp la, bị bỏ rơi, bị tổn thương… tôi đều ước giá như bản thân có thể sống phũ phàng hơn một chút, bớt quan tâm lại thì có lẽ có rất nhiều chuyện sẽ trở nên tốt hơn, còn hơn là để cảm xúc bị chi phối.


Tuy vậy, bạn tôi từng nói trong nỗi buồn thì sẽ có hạnh phúc, mình hạnh phúc vì ít nhất mình còn biết buồn, còn hơn là không cảm nhận được chút cảm xúc nào. Khi tôi chấp nhận việc mình sống phũ phàng hơn, cũng chính là lúc tôi nhận ra bản thân đã đánh mất chính mình, đánh mất những gì nguyên thủy nhất của con người, cảm xúc vui, buồn, giận, ghét, hờn, tủi… để rồi tôi đã sống mà không cảm thấy gì suốt một khoảng thời gian dài đằng đẵng.


Cho tới tận bây giờ, thi thoảng tôi vẫn muốn bản thân có thể sống phũ phàng như trước kia. Ví như khi nhận thấy một người chẳng còn lưu luyến mình, tôi  sẽ có thể dứt khoát ngoảnh mặt cất bước ra đi không chút chần chừ. Là khi cảm thấy bản thân chẳng còn phù hợp với một công việc, thay vì cứ dành thời gian suy nghĩ, lưu luyến thì tôi sẽ ngay lập tức nộp đơn xin thôi việc. Chẳng cần câu nệ hay giữ lại mối quan hệ với bất kỳ ai, miễn là tránh xa những thứ khiến mình không thích.


Nhưng càng lớn tôi lại càng học được cách thoả hiệp, thoả hiệp với cuộc sống, với một tôi nặng tình, không hoàn hảo và còn nhiều thiếu sót. Chấp nhận việc ai đó có thể sẽ không còn thích mình, ai đó có thể sẽ ghét mình, hoặc yêu mình nhưng mình lại chẳng có tình cảm với người ta...


Để rồi tôi nhận ra mình lại chẳng phũ phàng như tôi từng nghĩ, chỉ là đang lạc lối.


Tôi thường xuyên tưởng tượng về hình ảnh một cậu bé cô đơn vẫn luôn xuất hiện trong tâm trí tôi, cậu bé ấy đang tìm kiếm dáng vẻ của tình yêu trong chốn vĩnh hằng lạnh lẽo, nhưng bởi vì không thể tìm thấy tình yêu, nên cậu ấy chỉ có thể tiếp tục chờ đợi. Cho tới một ngày khi người mà cậu nghĩ mang dáng vẻ tình yêu ấy xuất hiện, người đó ôm lấy cậu bé, họ cùng nhau đi qua những ngày tháng yên bình của cuộc sống, cùng nhau sống qua những biến động của tuổi trẻ, để rồi sau tất cả, người mà cậu nghĩ mang dáng vẻ tình yêu ấy lại rời bỏ cậu, để cậu lại một mình giữa thế gian rộng lớn. Cho tới tận mãi sau này khi cậu bé ấy đã không còn là một cậu bé nữa, dường như giờ đây cậu ấy đã đủ trưởng thành, đủ cảm xúc, đủ tình yêu… đó cũng chính là lúc cậu nhận ra rằng, chính mình từ trước tới nay vẫn luôn mang dáng vẻ tình yêu mà mình luôn tìm kiếm.



bottom of page