top of page

Những con người không xuất chúng

Ngày còn bé tôi chưa từng có cho mình một ước mơ cụ thể nào. Thế nên bố mẹ đã thay tôi định hướng cho bản thân bằng cách để tôi theo ngành ngôn ngữ, đưa tôi đi học từ các trung tâm tiếng Anh lớn nhỏ ở trong thành phố. Bởi theo như mọi người lúc đấy bảo phải giỏi tiếng Anh thì sau này mới dễ xin việc được, đi đâu cũng sẽ được nhận, cũng may là khi đó tôi giỏi thật. Suốt những năm tháng đi học, chưa bao giờ điểm tiếng anh của tôi ở dưới con số tám, thế nhưng để giỏi thôi có lẽ là chưa đủ.


Tôi không phải là một người phù hợp với sách vở, trường lớp, càng không phải một người thích chạy thành tích. Xuyên suốt những năm tháng đi học, tôi bị ám ảnh với việc thành tích của mình không đủ tốt, mình vẫn chưa phải giỏi nhất, chưa phải tốt nhất khi điểm của tôi lúc nào cũng đứng phía sau một đứa bạn cùng lớp, ví như tôi tám thì nó chín, tôi chín thì nó lại mười. Cái khoảng thời gian đó tôi ghét cái đứa cùng lớp ấy kinh khủng, vì nghe bảo nó ở nhà chẳng thấy học hành gì, chỉ đi chơi net suốt mà điểm khi nào cũng cao chót vót. Vậy nên những người không có năng khiếu bẩm sinh như tôi, chỉ có thể nỗ lực gấp năm lần người bình thường là vì vậy.


Nhớ có một lần vào giờ ăn cơm, mẹ tôi có mời một gia đình tới nhà cùng dùng bữa, gia đình ấy có cậu con trai đạt giải tiếng Anh cấp thành phố. Thế là xuyên suốt bữa ăn ngày hôm đó, hai mẹ cứ thay nhau đưa thành tích con cái ra để nói chuyện. Đương nhiên là thành tích của tôi không đủ tốt, bởi nghe nói khi đó cậu bạn kia đã đi phiên dịch cho người ta, đã kiếm ra được tiền. Còn tôi lúc ấy vẫn chỉ ở nhà xem phim hoạt hình mà thôi.


Cái cảm giác phải chạy đua thành tích khiến tôi áp lực, bởi ngoài giỏi ngoại ngữ ra, thì tôi khi đó còn phải giỏi những thứ khác, môn khác. Tôi còn nhớ mình đã từng buồn như thế nào khi đi thi rớt giải cầu lông, bởi đó là môn thể thao bố tôi thích nhất. Hay là khi vốn liếng tiếng Anh của tôi không đủ tốt, để có thể trả lời những câu hỏi hóc búa của mẹ, khi bà ấy nhờ tôi dịch từng chữ từng chữ trên tivi, từng lời thoại mà nhân vật ấy đang nói, tôi không làm được.

Tôi nhớ những đêm phải thức dậy từ bốn giờ sáng để học bài muỗi đốt sưng cả chân, để rồi sáng hôm sau đi học tôi lại ngủ quên trong giờ kiểm tra. Kết quả đợt kiểm tra ấy điểm của tôi dưới trung bình. Dần dà tôi đã không còn hào hứng với việc học ngoại ngữ, cũng không còn cố gắng chạy đua thành tích, hay là cố gắng trở nên xuất sắc nữa, bởi tôi mệt rồi. Và thế là tôi rớt trường top, khi đó cô giáo đảm nhiệm còn không muốn nhìn mặt tôi, tôi và cô ấy cũng chưa bao giờ liên lạc lại từ đó mặc dù chính cô giáo ấy là người dạy ngoại ngữ cho tôi từ khi còn bé tí. Bởi tôi là đứa học sinh đầu tiên cô ấy dạy mà chẳng xuất chúng, chẳng giỏi, và chẳng đậu vào trường top.


Sau này lớn hơn thì tôi vẫn vậy, vẫn không xuất chúng, biết nhiều thứ tiếng cùng một lúc, hay quá xuất sắc về một lĩnh vực nào đấy. Tôi không thích cái cảm giác phải chạy KPI, vì nó khiến tôi cảm thấy ngột ngạt với những thời gian ít ỏi mà mình có, cảm thấy cho dù mình có nỗ lực tới đâu thì sẽ chẳng bao giờ là đủ. Nếu mà cho dù tôi đạt đủ KPI, trở thành nhân viên xuất sắc của tháng, thứ mà tôi dùng chừng ấy thời gian và nỗ lực để đổi được sẽ là số dư trong tài khoản của mình. Có nhiều tiền hơn thì tôi cũng có thể sống thoải mái hơn một chút. Nhưng cho đến khi có tiền rồi tôi cũng chẳng còn thời gian cho chính mình nữa, cuộc sống cứ vậy mà như một vòng lặp. Thế nhưng tôi lại thích viết, bởi khi viết tôi có cảm giác như đi đánh trận, nhưng thay vì cầm đao và kiếm, tôi lại cầm bút. Tôi tin rằng khi bạn cầm bút lên và viết về một điều gì đó, bạn sẽ không thể trốn tránh chính mình, trốn tránh con quái vật bên trong mình, con quái vật ấy mang tên nỗi buồn và nỗi sợ. Chỉ có thể dũng cảm đối mặt với nó, thỏa hiệp với một tôi đầy khuyết điểm, để có thể nhận ra rằng mình không cần phải quá cố gắng để hoà nhập với thế giới loài người khi đã lỡ trở nên quá khác biệt, khi đã lỡ trở nên không quá xuất chúng, trở nên quá đỗi bình thường…

Vậy nên nhớ về cái thời mình còn đi học, thầy cô, bố mẹ luôn đe doạ rằng nếu các em không lo học thì sau này sẽ chẳng thể nào thành người tử tế, tương lai của các em phụ thuộc vào tờ giấy mà các em đang cầm trên tay. Xã hội chúng ta đang sống khiến chúng ta nghĩ rằng nếu không thể xuất chúng như những người khác, chúng ta sẽ không thể nào hạnh phúc. Thế nhưng sẽ ra sao nếu tôi của những năm tháng ấy nói rằng mình không cần phải thành công, không cần phải trở nên xuất chúng mới có thể tận hưởng cuộc sống. Con người ta chỉ thực sự sống khi họ biết biết bình thường hoá mọi thứ ở mọi thời điểm trong cuộc sống, kể cả khi chưa trở nên xuất sắc.


Những lần đầu tiên khi đi làm ở Sài Gòn, tôi đã bị sốc bởi tốc độ làm việc của họ. Tốc độ một người có thể bấm máy được bao nhiêu chữ trong vài giây, làm được bao nhiêu ly cà phê trong một phút và bao nhiêu rau củ được người ta thái nhỏ trong tích tắc. Tôi từng nói với anh quản lý rằng “Em sợ mình không làm được đâu, ở đây người ta làm cái gì cũng nhanh em làm không kịp”, nhưng sau đó bằng một cách nào đấy tôi vẫn làm được, còn làm khá nhanh. Đương nhiên cũng sẽ không thể tránh khỏi những lần mình mắc lỗi, những hôm bị khách mắng tới mức chỉ muốn về nhà vùi đầu vào gối mà hét thật lớn, những khi cảm thấy bản thân chưa đủ tốt cho một người, một công việc… Vậy nên thi thoảng tôi lại cảm thấy bất an, cũng cảm thấy sợ ngoài cái sợ chưa trở nên xuất sắc. Sợ mất việc, sợ hết tiền, sợ hoá đơn, sợ già, sợ chết và sợ cô đơn…


Người ta nói 20 chính là độ tuổi đẹp nhất cuộc đời. Mấy anh chị đồng nghiệp của tôi nói 20 thì vẫn còn trẻ và nhiều điều cần phải trải qua lắm. Có lẽ 20 cũng chính là độ tuổi kỳ lạ nhất cuộc đời khi ở độ tuổi này có một vài đứa bạn của tôi đã vội làm mẹ bỉm sữa, có đứa thì đã ly hôn và lại chuẩn bị kết hôn, có đứa thì ngày nào cũng thấy bị deadlines rượt, và có đứa thì lại vẫn như một đứa trẻ không bao giờ lớn. Tôi không biết rõ mình thuộc kiểu người nào trong số đó, bởi đôi lúc tôi cảm thấy mình suy nghĩ như một ông cụ, yêu như một đứa trẻ, nhưng lại sống ở tuổi 20.


Vậy nên tôi muốn bản thân mình có thể sống vừa đủ nhanh vừa đủ chậm. Đủ nhanh để biết khi nào mình nên dừng lại để có thể quan sát được những người, những sự vật sự việc đang trôi đi xung quanh cuộc sống của bản thân. Đủ chậm để có thể học cách thoả hiệp với cuộc sống, thoả hiệp với một tôi chưa xuất chúng và để có thể học cách yêu. Yêu như thế nào để không biến tình yêu của mình thành một cái lồng khiến đối phương cảm thấy gò bó, cũng không muốn biến tình yêu thành một thứ trách nhiệm để có thể trục lợi. Họ bên nhau đơn giản chỉ vì yêu nhau, xa nhau khi tình cảm đã nguội lạnh. Đến cuối cùng có lẽ tình yêu và ước mơ cũng chẳng phải thứ gì to lớn như người ta nghĩ. Bởi sẽ tới một thời điểm nào đấy khi chúng ta già đi, tình yêu và ước mơ cũng sẽ già theo, cũng sẽ bớt đòi hỏi và khoa trương lại. Tới lúc đấy nhiều chuyện trong cuộc sống có thể sẽ trở nên đơn giản hơn, tình yêu cũng vậy mà trở nên đơn điệu khi chúng ta biết sống chậm lại để có thể nhìn thấy nhau lâu hơn một chút.


Trở lại với những ước mơ đã bị đứt đoạn và những mảnh ký ức đã sớm bị lãng quên, tôi có thể không phải là một đứa có tay viết giỏi. Trên thực tế hồi đi học tôi cũng chưa bao giờ được chín điểm môn văn, lên đại học rồi đột nhiên lại muốn chuyển qua học tiếng Pháp. Nhưng đồng thời tôi cũng nhận ra sống trên đời chẳng có ai lại đi đánh thuế ước mơ cả, mình chẳng cần phải trở nên xuất chúng và giỏi giang mới có thể làm điều mình thích, trở nên xinh đẹp mới có quyền được yêu. Vỗn dĩ chỉ có chúng ta đánh thuế ước mơ và thời gian của mình cho cuộc sống để lớn lên theo những tiêu chuẩn mà thôi.


#tựkýtảnvăn

bottom of page