top of page

Chiếc điện thoại nếu như

Tôi vẫn còn nhớ chiếc điện thoại đầu tiên của mình, đó là một chiếc Android-secondhand bố mua cho tôi với giá sáu trăm nghìn ở mấy cửa hàng mua bán điện thoại cũ, lúc đó tôi chỉ mới học lớp sáu. Còn nhớ lần đầu tiên mà mình mang chiếc điện thoại về nhà, mẹ đã đánh tôi một trận tơi bời khói lửa vì dám vòi bố mua điện thoại, trong khi rõ biết bố chả bao giờ từ chối tôi. Lúc ấy mẹ đã tức giận đến nỗi suýt ném cái điện thoại đi, nhưng rồi cũng thôi vì may có ngoại cản lại. Thế là từ đó trở đi, chiếc điện thoại ấy như một nơi lưu trữ bí mật của tôi, bí mật lớn nhỏ gì cũng nằm trong chiếc điện thoại.


Lần đầu tiên lập Facebook, bạn bè chẳng quá 100 người, mỗi khi đăng ảnh ba mẹ sẽ luôn là người bình luận đầu tiên. Cũng nhờ chiếc điện thoại, tôi mới có những mối tình đầu, yêu đương qua mạng mặc dù cả hai chẳng biết mặt nhau. Cũng biết nhiều thứ trên đời hơn mặc dù bậy bạ là chính, học hành tìm kiến tài liệu học tập là phụ.


Cho đến khi lớn hơn vài tuổi, thì cảm giác về tình yêu của tôi cũng trở nên rõ ràng hơn. Dậy thì xong cũng là lúc tôi biết phân biệt được rạch ròi đâu là tình bạn, đâu là tình yêu. Cũng nhận thấy được sự khác biệt về nhận thức của mình so với các bạn nam cùng trang lứa. Vậy nên trong một tập thể, tôi thường tự tách mình ra, nếu như trường học là một đại dương rộng lớn và cá phải bơi theo bầy đàn của chúng, thì tôi chính là một con cá cô độc giữa đại dương bao la.

Sau này tôi phát hiện chẳng biết từ khi nào, mình đã thích một cậu bạn cùng lớp. Lúc đó tôi cứ tưởng mình là bị bệnh, cũng tìm tới đứa bạn thân nhất của mình để tâm sự, nhưng nó ngoài bảo đầu óc của tôi có vấn đề, không được ổn định ra, thì còn khiến tôi cảm thấy sợ hãi chính mình hơn.


Vậy nên lúc ấy tôi chỉ có thể chôn giấu tâm tư của mình qua chiếc điện thoại, ghi âm lại hết tất cả nỗi lòng và tình cảm của mình, đó là bí mật nhỏ của tôi. Nhưng bằng một cách nào đó, mẹ tôi lại có thể mở khoá được điện thoại, nghe hết những tâm tư ấy. Mẹ sau đó chẳng cho tôi một chút thể diện mà tới lớp làm ầm ĩ, cố gắng tìm cậu bạn tôi thích để nói chuyện. Cũng may là trong lớp có tận ba người trùng tên, nên mẹ và cô chủ nhiệm chẳng biết cụ thể là người nào nếu tôi không chịu nói, nhưng điều đó cũng đủ để tôi mất mặt trước bạn bè. Từ đó trở đi cuộc sống của tôi cũng bởi vậy mà bị đảo lộn theo.


Cho tới một hôm, tôi âm thầm cuốn gói đồ đạc, bỏ đi trong đêm, cũng để lại sẵn bức thư từ biệt. Lúc ấy tôi chẳng mang gì theo, chỉ xách theo cái ba lô trống rỗng và chiếc điện thoại bố từng tặng mình mà đi khỏi nhà. Sáng qua, chiều đến rồi cũng tới đêm khuya, tôi nằm ngủ giữa một con đường hoàn toàn xa lạ, đó là lần đầu tiên tôi đi xa đến vậy, cũng không nghĩ tới một ngày nào đó mình sẽ gan tới mức bỏ nhà ra đi, nghỉ học suốt mấy ngày liền như thế này. Nhưng tôi vẫn không dám quay về, một phần là vì không biết đối diện với những câu hỏi của người ngoài như thế nào, phần còn lại là vì sợ. Bởi vì lúc ấy tất cả mọi người trong trường biết đến bí mật nhỏ của mình hết rồi, tôi không biết mình sẽ phải đối mặt với những chuyện đó như thế nào, làm sao để có thể sống một cuộc sống bình thường như trước kia.


Sau đó tôi đã leo lên một căn chung cư, lên đến tầng cao nhất, đứng ngoài lan can. Tôi đứng ở đấy rất lâu, lâu tới mức cho tới khi trời chuyển sáng, cho tới khi bình minh kịp lên thì chẳng biết mình đã khóc từ khi nào. Khóc cho những điều mình chưa kịp làm, khóc cho con người mình chưa kịp trở thành, khóc cho những người tôi chưa kịp gặp, cũng khóc cho nhưng đau khổ tôi chưa kịp trải qua.

Mãi sau này có những hôm về đến nhà sau một ngày dài, tôi không cho phép bản thân mình được nằm, mà nhất định phải chết dí ở trên bàn học. Ăn trên bàn, học trên bàn, làm việc trên bàn, nghỉ cũng trên bàn… bởi vì tôi sợ, nếu như tôi nằm quá lâu, tôi sẽ bị lười và chẳng thể hoàn thành đống deadline trong buổi tối hôm đó, vậy nên thực sự có những đêm tôi đã ngủ trên bàn. Sau này tôi chợt nhận ra, chẳng phải cứ yêu và ở trong một mối quan hệ với ai đó có nghĩa là mình sẽ hết cô đơn, thi thoảng cảm giác cô đơn cứ ập đến bất chợt. Những lúc như vậy, tôi thường cầm chiếc điện thoại của mình lên, tự gọi điện cho chính mình, giả vờ như tôi đang nói chuyện với mình ở một thời điểm khác. Là bạn, chính tôi! Không biết là bạn đã học được ngôn ngữ thứ hai và lấy được bằng chưa? Không biết bạn đã trở thành một người như bản thân mong muốn chưa. Một người luôn lắng nghe chính mình và có chính kiến riêng! Nếu như bạn là tôi vào một thời điểm khác, có lẽ bạn phải là người giỏi hơn tôi của hiện tại, có công việc ổn định hơn, bạn sẽ không lóng nga lóng ngóng trong công việc như tôi, bạn sẽ phải là một người học gì hiểu đó, làm đâu giỏi đấy, và chắc chắn công tư phân minh, rõ ràng thẳng thắn, có phải không?

Năm 16 tuổi, tôi không biết từ khi nào mình đã bắt đầu nghĩ về những thứ như tình yêu và ước mơ. Năm 20 tuổi tôi không biết từ khi nào bản thân đã ngừng suy nghĩ về hai thứ đó. Thế nhưng cho dù có như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn yêu thích bản thân của hiện tại. Mặc dù trong công việc tôi còn lóng nga lóng ngóng, chưa tự chủ được về một vài vấn đề, ăn nói thi thoảng lại lắp bắp, cũng chưa giỏi hoàn toàn một thứ ngôn ngữ khác. Chưa giàu, chưa sướng, chưa có nhiều số dư trong tài khoản… thế nhưng tôi của hiện tại lại chính là ước mơ của mình năm 16 tuổi, được làm chính mình, yêu những ai bản thân cảm thấy hợp, tránh xa những người mình không thích, trở thành một người yêu ghét rõ ràng, chỉ cần là mình không thẹn với lòng, thì chẳng cần phải thẹn với đời.

Ngày hôm đó, tiếng điện thoại trong túi tôi lại vang lên, là bố, bố đã gọi cho tôi, và sau bao nhiêu lần không dám nghe, cuối cùng tôi cũng bắt máy. Ngày hôm sau bố đưa tôi tới trường, thế nhưng tôi lại cứ ngồi lì ở trong xe, không dám mở cửa, cho tới khi tiếng trống trường vang lên, bố mới lái xe đi chỗ khác. Là quán phở quen nơi hai bố con từng ăn từ khi tôi còn bé xíu. Lúc đó tôi không ăn nổi, cũng chẳng muốn ăn, cho tới khi bố cầm thìa, bỏ từng sợi phở vào và đưa tới miệng tôi, và nói rằng “Cùng lắm bố coi như đã sinh ra hai đứa con gái”. Đó là tô phở ngon nhất mà tôi từng ăn, nước mắt cũng cứ thế mà không ngừng chảy xuống.

Tôi bắt đầu nghĩ tới tủ điện thoại nếu như của Doraemon, một chiếc điện thoại có thể thay đổi thực tại, có thể thực hiện bất cứ yêu cầu gì mà chủ nhân nó đưa ra. Hồi còn bé đó là món đồ tôi thích nhất trong những bảo bối vạn năng của chú mèo máy đến từ tương lai. Có chiếc điện thoại ấy tôi có thể yêu cầu nó làm được hàng vạn thứ trên đời, và sống hết những cái nếu như bất đắc dĩ của mình. Mặc dù chiếc điện thoại của tôi khi lớn lên không được có đa năng như vậy, nhưng đó lại là những chiếc điện thoại đã cho tôi cơ hội để được sống đúng với bản chất chân thực của mình, được kết nối với những con người và những nơi mình chưa từng được đến, để rồi lại muốn ngắt kết nối. Có cho mình những mối tình yêu xa và cả những lần yêu gần. Những lần lén lút vụng trộm, tạo cho tôi những khoảng trống bí mật chỉ cần mỗi mình tôi biết là đủ. Đó còn là những cuộc gọi đến và đi, để mỗi khi nhớ nhà tôi sẽ lại gọi về cho bố mẹ, được nghe giọng họ, lưu giữ những vùng ký ức đẹp nhất về họ trong chiếc điện thoại.


Và sẽ tới một ngày nào đó, khi tôi lại nghĩ về những thứ vô thường như cái chết, tôi sẽ cầm chiếc điện thoại của mình lên, để nhớ về cuộc điện thoại đã từng cứu sống mình khi ấy mà sống tiếp. Sống để nhớ về ngày mai, bởi ngày mai chưa từng tồn tại, nó chỉ xảy ra khi tôi tiếp tục sống, để khóc cho những đau khổ chưa kịp tới và vui cho những hạnh phúc chưa kịp xảy ra.

bottom of page